Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Nơi tôi thuộc về

Lượt xem:

 

TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN - NƠI TÔI THUỘC VỀ

Lê Thị Lan - Trưởng phòng HCTH, GV Ngữ văn

 

Vậy là tôi đã đến và ở lại nơi đây đúng tròn 20 năm. Hai mươi năm đủ để cho những gắn bó yêu thương trở thành máu thịt. Trong 30 năm làm nghề dạy học, tôi đã đứng trên bục giảng GDTX 20 năm và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày được làm “tỷ phú”.

Người ta bảo rằng, chọn một nghề cũng như chọn một mối nhân duyên. Với tôi đến với GDTX có lẽ cũng là một mối nhân duyên.

 Hồi đó tôi dạy ở Hòa Tiến, các con tôi còn nhỏ, trường xa nhà, đường sá đi lại khó khăn phức tạp nên cũng thật vất vả. Cứ mỗi ngày, tôi ra khỏi nhà khi đèn đường chưa tắt và trở về nhà khi phố đã lên đèn. Sáng sớm, các con tôi còn mắt nhắm mắt mở thì tôi đã chở đến trường, đưa cho mỗi đứa 500 đồng tự mua quà ăn sáng rồi quay về mang theo một ổ bánh mỳ nhằm hướng Hòa Tiến thẳng tiến. Ngày nào dạy hai ca thì phải ở lại trưa, mà chủ yếu là dạy cả ngày nên thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà. Hòa Tiến ân tình ân nghĩa đã trở thành ngôi nhà thân yêu thứ hai của tôi. Một thời tuổi trẻ tôi đã gắn bó với vùng quê ấy. Nhưng rồi, gia đình, con cái vẫn cần tôi dành thời gian để chăm lo mà thời gian của tôi thì rất eo hẹp. Vậy nên, sau đó tôi quyết định xin chuyển về trường gần nhà để có thể có điều kiện chăm sóc các con nhiều hơn. Và sự lựa chọn của tôi là xin chuyển về một trường phổ thông. Cho đến khi cầm quyết định trong tay tôi mới biết mình được chuyển về Trung tâm GDTX Thanh Khê. Đó là một chiều tháng 7 năm 2001. Lúc đầu, tôi có hơi băn khoăn và bỡ ngỡ bởi thật sự, hồi đó tôi chưa biết gì về GDTX. Nhưng sau đó tôi tự nhủ chỉ cần được về gần nhà, còn trường nào mà mình luôn cố gắng thì cũng không sao cả. Và duyên nợ với GDTX bắt đầu từ đó.

Tôi đến với Trung tâm GDTX Thanh Khê vào một chiều thu, Đà Nẵng đầy nắng vàng và gió. Nhận được quyết định thuyên chuyển, tôi từ Hòa Tiến thẳng đến Trung tâm. Nhưng đi lòng vòng mãi tôi mới nhìn thấy cái cổng giản dị khiêm nhường với hàng chữ Trung tâm GDTX Thanh Khê nằm nép mình giữa phố phường tấp nập. Tôi mạnh dạn bước vào. Tiếp tôi ở văn phòng là cô Hồng Hạnh và cô Kim Liên. Sau đó các cô dẫn tôi đến trình quyết định cho thầy Nguyễn Văn Thục, lúc đó là Phó giám đốc Trung tâm. Thầy nhận hồ sơ và bảo tôi ngày mai quay lại gặp thầy Giám đốc.

Chiều thu Đà Nẵng vẫn đầy nắng và Trung tâm GDTX vẫn cứ bỡ ngỡ trong tôi. Trước khi ra về, tôi kịp đưa mắt quan sát một lượt toàn cảnh ngôi trường và thấy nó chẳng khác ngôi trường của một vùng quê nào đó mặc dù nó đang ở trung tâm thành phố. Khu hiệu bộ với dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp. Hai khu phòng học cấp bốn đối diện nhau cũng đã cũ, mái ngói tường xây đã phủ rêu phong. Giữa sân là hàng cây xà cừ cổ thụ cành lá sum suê nhìn hơi rờn rợn, phía cuối hai dãy phòng học là một hàng dừa, thân xù xì, cao vút có vẻ già nua. Một quang cảnh thật lạ mà cũng như là quen thuộc từ lâu lắm. Tôi đi về nhà mà lòng cứ nghĩ mãi về hình ảnh ngôi trường. Rồi băn khoăn không biết trong môi trường mới này mình sẽ ra sao? Học sinh GDTX học chương trình có khác học sinh phổ thông không? Không biết ngày mai gặp thầy Giám đốc sẽ được phân công nhiệm vụ thế nào? Bao nhiêu là câu hỏi chuẩn bị cho một môi trường mới.

Hôm sau tôi đến, gặp thầy Giám đốc Nguyễn Tấn Giao. Thầy tiếp tôi bằng nụ cười cởi mở và những câu hỏi thân thiện làm tôi thấy cũng yên tâm hơn. Thầy giới thiệu sơ qua tình hình của trung tâm và động viên tôi cố gắng. Thầy cho biết trung tâm chỉ có 4 môn học là có giáo viên cơ hữu và tôi là một trong số 4 người đó.

Thời điểm đó, Trung tâm GDTX rất ít giáo viên biên chế, mà phần đông là mời giáo viên ở các trường phổ thông và trường ĐHSP Đà Nẵng dạy thỉnh giảng. Học sinh thì rất đông, khối lớp 10 năm nào cũng hơn 10 lớp. Trung tâm học cả 3 ca, đêm nào cũng sáng đèn. Tôi được phân công giảng dạy và chủ nhiệm. Dạy cả ban ngày và ban đêm. Hồi đó có nhiều lớp là các anh chị cán bộ xã phường đi học, có những người học lớn hơn cả tuổi hơn tôi lúc bấy giờ.

 Một cô giáo yêu văn, tôi mang theo cái say mê với những vần thơ, câu văn đầy êm dịu, tôi thích hòa mình vào những thứ “bay bổng” của nghệ thuật. Với tâm hồn lãng mạn của mình tôi hy vọng mình sẽ có cơ hội để cháy hết mình với đam mê nghệ thuật, với cảm xúc văn chương. Nhưng rồi những giờ dạy đầu tiên của tôi trôi qua một cách tẻ nhạt, tôi cảm xúc bao nhiêu với tác phẩm thì người học lại vô cảm bấy nhiêu. Khi dạy xong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, tôi cảm tác một bài thơ rồi đọc cho cả lớp nghe thì được một em “ cảm nhận”: “Cô ơi, bài đó là cô bịa ra đó hả cô?”. Tôi nghe mà thật buồn cười! Rồi tôi bắt đầu cảm thấy chán nản. Tôi thất vọng bởi dạy văn mà cảm xúc không thể thăng hoa. Tôi suy nghĩ, trăn trở… Nhưng cảm giác buồn chán rồi cũng qua đi khi tôi bắt đầu tìm hiểu thế nào là dạy học phù hợp với đối tượng. Tôi chịu khó, chăm chỉ đi dự giờ các thầy cô để học hỏi kinh nghiệm, nhất là phương pháp dạy học với đối tượng học sinh GDTX. Thời gian sau tôi quen dần với cách dạy, tôi tìm được phương pháp để giúp học sinh tiếp nhận tác phẩm, từ đó mà dần tìm lại được cảm xúc.Và cuối cùng cũng có rất nhiều người học tỏ ra thích học văn và tương tác rất tốt với bài học. Từ đó tôi nghĩ dù đối tượng học sinh thế nào mà mình biết cố gắng tìm hiểu và thấu hiểu để có phương pháp giảng dạy và giáo dục phù hợp thì cũng sẽ có kết quả, sẽ tìm thấy niềm vui.

Khi ở trong môi trường GDTX thì người ta mới hiểu rằng, để bồi dưỡng cho một học sinh phổ thông trở thành một học sinh khá hoặc giỏi thì đơn giản hơn nhiều so với dạy một học sinh GDTX trở thành học sinh trung bình hoặc khá. Và để giáo dục một học sinh GDTX thành một học sinh ngoan, nhất là những em học sinh cá biệt chưa hề dễ bao giờ. Khi học sinh của tôi có vấn đề cần trao đổi, tôi gọi điện thoại cho phụ huynh để có sự phối hợp giáo dục, có phụ huynh cám ơn, có phụ huynh bực bội, có người khoán trắng cho nhà trường, thậm chí có người còn mắng tôi “ Cô gọi gì mà gọi nhiều thế, cô cứ đuổi học nó đi!”. Cũng có khi buồn lòng cũng có khi rơi nước mắt nhưng rồi không bỏ cuộc. Cố gắng thật nhiều, nhẫn nại mỗi ngày rồi cũng nhận được sự thông cảm. Đến với GDTX mới cảm nhận và thấu hiểu những khó khăn của người thầy dạy GDTX. Công sức để giảng dạy và giáo dục đối với học sinh GDTX phải gấp đôi gấp ba lần so với dạy học sinh phổ thông, bởi vì như người ta thường nói đùa là “ vừa dạy vừa dỗ”. Cũng từ những trải nghiệm thực tế mà tôi thấy mình ngày càng vững vàng hơn trong công tác.

Được sự động viên của các thầy trong Ban giám đốc và sự giúp đỡ tận tình của các anh chị đồng nghiệp tôi mạnh dạn tham gia thi giáo viên dạy giỏi mấy năm liền và cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhớ nhất một kỷ niệm. Lần đó có cô Ba trường THPT chuyên Lê quý Đôn, thầy Xuân trường Trần Phú và thầy Lỹ trường Thái Phiên (các thầy cô nay đã về hưu) về dự giờ khảo sát. Tôi dạy Bài thơ số 28 của Tagor, khi gọi một học sinh đọc bài tôi không biết rằng các thầy cô đã buồn cười như thế nào. Tôi vẫn say sưa thăng hoa cùng cảm xúc với tình yêu của Tagor. Khi hết giờ, ra ngoài lớp thầy Lỹ gọi tôi lại cười to và nói rằng: Bài thơ nói về tình yêu sao em lại để cho người đi tu đọc? Tôi mới chợt nhớ ra, nhưng tôi trả lời thầy là vì chỉ có em đó đọc tốt nhất bài thơ (mà thật sự hồi đó nhiều em đi tu học rất tốt môn văn). Giờ dạy đó được đánh giá là thành công. Nhưng đó cũng là một kỷ niệm nhắc tôi về cách xử lý các tình huống trong dạy học.

Học kỳ II năm học 2001-2002 Ban Giám đốc giao cho tôi phụ trách công tác Đoàn thanh niên thay cho thầy Võ Văn Khánh lúc đó đi học thạc sĩ ở Huế. Tôi đảm nhận làm Bí thư Đoàn Trung tâm, một công việc mà tôi nghĩ mình không bao giờ làm tốt được bởi lúc đó tôi đã hết tuổi đoàn lại còn bận bịu chuyện con cái. Nhưng được sự dìu dắt của các thầy trong BGĐ và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần đưa hoạt động của Đoàn Trung tâm sánh bước cùng với các đoàn trường THPT trên địa bàn quận Thanh Khê. Các hoạt động của Đoàn hồi đó được Quận đoàn đánh giá rất tích cực. Đó cũng là động lực lớn cho tôi tiếp tục phấn đấu. Được sự bồi dưỡng của các thầy trong cấp ủy, tôi vinh dự được kết nạp Đảng, rồi tiếp đó được đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị. Năm 2005, tôi đã hoàn thành chương trình Trung cấp lý luận Chính trị và năm 2006 tốt nghiệp lớp Cử nhân QLGD. Môi trường GDTX đã tôi rèn cho tôi bản lĩnh của một người thầy để trưởng thành. Cũng trong môi trường này tôi được tin yêu, cảm thông và chia sẻ để tôi có thể vượt qua những biến cố lớn lao của cuộc đời và gắn bó với nghề. Dẫu nhiều lúc không tránh khỏi những va chạm trong công việc, những tranh luận gay gắt trong chuyên môn. Nhưng tất cả đều là chuyện nhỏ, bởi quan trọng sau những điều đó là sự hiểu nhau, yêu thương gắn bó với nhau để cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả.

Thời gian trôi qua, bạn bè đồng nghiệp tôi hầu hết họ xin chuyển sang dạy phổ thông. Cũng có một số người mới được tuyển dụng vào một hai năm họ cũng xin chuyển đi trường khác. Nhưng cũng có những đồng nghiệp cùng tôi chung thủy với GDTX. Dù sao đó cũng là sự lựa chọn của mỗi người. Riêng tôi đã hai lần tôi có cơ hội chuyển sang trường phổ thông, ban đầu tôi cũng có băn khoăn do dự. Nhưng rồi có một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn, một tiếng nói trong sâu thẳm trái tim đã mách bảo để cuối cùng tôi vẫn quyết định ở lại nơi này cho đến hôm nay. Có người tiếc rẻ cho tôi tại sao bỏ lỡ mất cơ hội. Cũng có lúc bạn bè tỏ ra ái ngại: Là giáo viên GDTX à? Sao dạy mãi Trung tâm GDTX? Tôi không cảm thấy buồn bởi tôi hiểu việc mình làm và nơi mình đã chọn.

Bởi tôi hiểu Trung tâm GDTX cũng là một nhà trường, mà còn hơn thế, đây là nơi tạo cơ hội cho tất cả mọi người được học tập suốt đời, là nơi để cho những em vì hoàn cảnh mà dang dở việc học có thể hoàn thành ước mơ. Phần đông học trò đến với trung tâm đều có chung một khát vọng được tiếp tục học tập, được nâng cao kiến thức, được học để làm việc, học để làm người. Vậy nên dạy GDTX không chỉ là giảng dạy mà còn là sự nâng đỡ, sự tiếp sức, sự chắp cánh cho những em học sinh vẫn còn ước mơ, cho những hoàn cảnh còn dang dở. Trong 20 năm dạy học GDTX, tôi chứng kiến rất nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh gia đình, vượt qua mặc cảm bản thân để học tập, rèn luyện và đạt những kết quả rất đáng tự hào. Nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi tiêu biểu trong các kỳ thi HSG thành phố được Sở GDĐT tuyên dương khen thưởng. Nhiều em đỗ vào các trường Đại học tốp đầu trong cả nước. Cũng có nhiều em đã làm lại được cuộc đời. Và nhiều em ra đời đã đạt được những thành công đáng khen ngợi. Đó chính là niềm tin, là động lực, là ý nghĩa đối với những người làm công tác GDTX.

Trung tâm GDTX đã bao lần đứng trước khó khăn thử thách tưởng chừng như không thể tồn tại. Đã bao lần thay tên và bổ sung điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Nhưng cuối cùng nó vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay. Và dù thay đổi bao lần thì sứ mạng của nó vẫn là đem đến cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời, là cơ sở giáo dục mà rất nhiều em có hoàn cảnh đã lựa chọn để hoàn thành ước mơ cho sự học của mình.

Trong xu thế phát triển đi lên, Trung tâm GDTX Thanh Khê và các quận huyện đã đi vào quá khứ khi đã hoàn thành sứ mệnh. Một Trung tâm cấp thành phố ra đời mang tên Trung tâm GDTX số 2. Cảnh cũ người xưa đã ít nhiều thay đổi nhưng ngôi trường mới giờ đây khang trang hơn, bề thế hơn. Một diện mạo mới, một vị thế mới, một giai đoạn mới đang mở ra năng động hơn, phát triển hơn. Lãnh đạo Trung tâm cùng tập thể CBGVNV cùng nhau phát huy tốt nhất những thành quả của các thế hệ đi trước đồng thời hoạch định cho mình hướng đi phù hợp với xu thế, tạo ra một sự bứt phá mới, đưa Trung tâm ngày càng phát triển đi lên.

Bộ mặt Trung tâm GDTX số 2 ngày càng rạng rỡ, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ ngày càng được cải thiện. Các loại hình đạo tạo ngày càng được đa dạng hóa, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của nhân dân. Người học ngày càng lựa chọn đến với Trung tâm đông đảo hơn. Tất cả tạo nên niềm tin, động lực và sự phấn khởi cho đội ngũ để ai cũng muốn phấn đấu nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn và gắn bó dài lâu với nơi này.

 

Trung tâm GDTX số 2 mới vừa tròn năm tuổi nhưng những thành tựu mà tập thể nơi đây đạt được cũng đủ để khẳng định vị thế mới của một Trung tâm cấp thành phố và để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân trên địa bàn.

Năm học 2019-2020 và 2020-2021 là những năm học rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Nhưng vượt qua thử thách, Trung tâm vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Đặc biệt công tác tuyển sinh lớp 10 năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Khi học sinh không được tiếp tục đến trường thì các lớp học online vẫn ngày đêm sáng đèn đảm bảo sự học không dừng lại. Năm học 2021-2022 sắp bắt đầu trong tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, Trung tâm cũng đã có những phương án phù hợp để bắt đầu năm học mới theo kịp với kế hoạch chung của ngành.

 

Cuộc đời của mỗi người ai cũng có những lựa chọn cho riêng mình. Và chắc chắn ai cũng muốn mình sẽ có một nơi làm việc thật tốt để thực hiện ước mơ, lý tưởng của đời mình. Với tôi nơi đó chính là Trung tâm GDTX. 


Trung tâm GDTX không phải là nơi nâng bước tôi vào đời mà là nơi cho tôi sự trải nghiệm và trưởng thành. Từ Trung tâm GDTX quận Thanh Khê đến Trung tâm GDTX số 2 thành phố Đà Nẵng, từ những con người xa lạ gặp nhau dưới một mái nhà chung GDTX và trở thành những người gần gũi thân thương, vậy nên Trung tâm không chỉ là nơi làm việc mà còn là “tổ ấm” đầy tình thương mến thương với mỗi người, là nơi mỗi người được cảm thông và chia sẻ. Chính vì thế mà bao năm qua tôi đã yêu nghề biết bao và gắn bó biết bao với ngôi trường này. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của GDTX.

Trung tâm GDTX với tôi là một mối nhân duyên, tôi đã neo lòng ở lại không chút đắn đo. Vì thế xưa nay bạn bè nhiều người đã khuyên tôi nên xin chuyển về trường phổ thông cho có điều kiện phát triển và dạy cho đỡ vất vả hơn, tôi chỉ lặng im, mỉm cười cảm ơn mà không phân bua, giải thích. Bởi tôi hiểu Trung tâm GDTX, nơi ấy tôi đã thuộc về. Bởi tôi hiểu, tôi đã chọn Trung tâm GDTX làm bến đỗ cho cuộc đời mưa nắng đưa khách sang sông của mình.