Những điều cần làm, cần tránh khi học sinh các cấp đi học trở lại

Lượt xem:

Bước sang đầu tháng 5, các địa phương đã có kế hoạch cho tất cả học sinh các cấp đi học trở lại bình thường sau nhiều tháng trời nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh. Việc học sinh nghỉ học dài ngày khi trở lại học tập bao giờ cũng phát sinh thêm nhiều khó khăn.

Đó là tình trạng một số học sinh bỏ học, học sinh chán học, quên đi những đơn vị kiến thức đã được học trước đó và tất nhiên là sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, đến hiệu quả giáo dục của các nhà trường.

Chính vì thế, các nhà trường, thầy cô giáo phải thực sự nỗ lực, khéo léo để không xảy ra những sự cố đáng tiếc và đó cũng là cách tốt nhất nhằm giúp cho kế hoạch của năm học này được hoàn thành.

Tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy sẽ giúp học sinh

vượt qua những khó khăn trong trong học tập (Ảnh minh họa: TTXVN)

Những việc cần làm

Trước tình hình dịch bệnh còn khó lường như hiện nay thì việc đầu tiên mà nhà trường cần phải thực hiện đó là chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường.

Các đơn vị trường học phải thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh như: vệ sinh trường lớp, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, bố trí học lệch giờ, thực hiện giãn cách trong phạm vị cho phép của nhà trường…

Đối với những trường có tỉ lệ học sinh bỏ học cao thì cần làm tốt công tác vận động học sinh trở lại trường bởi nhiều tháng qua đã có những học sinh xao nhãng chuyện học hành, có em đã theo cha mẹ đi làm ăn ở tỉnh khác.

Vì thế, nhà trường và những thầy cô chủ nhiệm lớp phải cố gắng để liên lạc và động viên các em trở về và học tập trở lại.

Tuy nhiên, công việc quan trọng nhất của nhà trường là dạy và học trên lớp. Dù các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến cho học trò nhưng vẫn có nhiều em không thể tham gia học tập.

Chính vì vậy, khi vào học tập trở lại thì giáo viên cần bố trí thời gian trên lớp để ôn tập, hệ thống lại những kiến thức cơ bản về những bài học này cho học trò để các em không quá hẫng hụt kiến thức về sau.

Những việc cần tránh

Trước đây, khi mà việc dạy và học diễn ra bình thường nhưng thỉnh thoảng thì chúng ta vẫn phải chứng kiến tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo vì có những lời lẽ, hành động không phù hợp với học trò trong quá trình giảng dạy ở trên lớp.

Bởi thực tế trong mỗi lớp học thì luôn có những em học giỏi, có em ngoan hiền, biết vâng lời và thực hiện theo các yêu cầu của giáo viên nhưng cũng có những học sinh học yếu, không nghe lời, có những biểu hiện ương ngạnh, thậm chí thách thức với thầy cô.

Vì thế, trong một thời khắc không kiềm chế được cảm xúc của mình mà một số thầy cô mất bình tĩnh nên đã có những hành động không phù hợp và phải nhận những hình thức kỷ luật khá nặng nề.

Từ lâu, mỗi khi xảy ra tình trạng bạo lực học trò thì các cơ quan chức năng thường vẫn xử lý rất nặng đối với giáo viên vi phạm.

Trong bối cảnh của năm học này, học sinh nghỉ học liền mạch hơn 3 tháng trời nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lí, động lực học tập khi các em trở lại trường.

Nếu khi vào học, gặp phải tình trạng học sinh quên kiến thức, không có động lực học tập mà giáo viên thiếu kiềm chế thì rất dễ dẫn đến tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.

Chính vì thế, xử lý những trường hợp mà học sinh chưa tích cực trong học tập, ứng xử không phù hợp với thầy cô đòi hỏi sự kiên trì, lòng yêu thương, bao dung của người thầy thì học trò mới có thể thay đổi, tiến bộ được và đó cũng là cách để giáo viên tự bảo vệ mình.

Vậy nên, ngay từ lúc này thì công tác tuyên truyền, xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học là điều mà các nhà trường phải thực hiện thường xuyên, liên tục để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc xảy ra trong đơn vị mình.

Người thầy sẽ phải vất vả nhiều hơn bình thường

Thực tế cho thấy, khi các trường học trở lại hoạt động bình thường trong thời điểm này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dù chúng ta biết rằng công việc của người thầy khi đứng lớp thì thời điểm nào cũng vất vả nhưng có lẽ thời gian còn lại của năm học này sẽ khó khăn nhiều hơn.

Chắc chắn sẽ có một số em xao nhãng việc học, học hành kém hơn, thậm chí hư hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Vì thế, khi các em đi học trở lại không chỉ đòi hỏi thầy cô phải đầu tư, sâu sát nhiều hơn để học sinh có được tâm thế chủ động học tập và nhớ được những kiến thức mà mình đã học trước khi nghỉ học, kiến thức đã học online trong thời gian nghỉ học.

Học trò thì thời nào cũng vậy, mỗi lớp học có mấy chục em nên tính cách khác nhau, cách học tập cũng khác nhưng mục đích giáo dục của người thầy thì không mấy khi thay đổi.

Người thầy vẫn với mục đích duy nhất là giáo dục, đào tạo ra các thế hệ học trò có đủ tri thức, đạo đức để hướng tới trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Và, trong bối cảnh rất đặc biệt như năm học này thì vai trò người thầy càng phải phát huy nhiều hơn mới có thể giúp cho học trò của mình chủ động học tập và cùng tiến bộ.

KIM OANH