Giáo viên kỳ vọng đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đảm bảo tính công bằng

Lượt xem:

Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm nay có nhiều xáo trộn gây khó khăn không nhỏ dành cho giáo viên và học sinh. 

Trong hoàn cảnh này, hầu hết các thầy cô đều mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề thi minh họa tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia để giáo viên có phương án ôn thi hiệu quả.

Theo thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên trường Trung học Phổ thông Lương Văn Chánh (Phú Yên): Học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều áp lực trong khi thời gian ôn thi bị rút ngắn so với những năm trước.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh cho biết:

“Nếu học sinh có thể trở lại trường từ tháng 5 các em sẽ có khoảng 3 tháng để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

So với mọi năm học sinh bên cạnh việc học ở trường còn tham gia ôn luyện tại các trung tâm gia sư. 

Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh các em không thể ôn luyện đề thi từ các trung tâm bên ngoài. 

Do đó đây là một thiệt thòi rất lớn cho học sinh. Vì thế hầu hết giáo viên chúng tôi đều mong mỏi Bộ sớm công bố đề thi minh họa để có phương án ôn tập”.

Ngoài ra theo thầy Minh một vấn đề Bộ cần phải lưu ý đó là đề thi năm nay phải đảm bảo tính công bằng dựa trên mặt bằng chung chất lượng học sinh trên cả nước. 

Lý do thầy Minh đặt ra vấn đề này đó chính là tính hiệu quả của hình thức dạy trực tuyến ở các địa phương là không giống nhau.

Giáo viên và học sinh đều mong mỏi Bộ sớm công bố đề minh họa thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia (Ảnh:G.H)

Thầy Minh chia sẻ: “Tôi lấy ví dụ về môn ngoại ngữ. Trong điều kiện bình thường các em học sinh tại các tỉnh/ thành phố lớn đã có nhiều điều kiện học tốt hơn so với học sinh vùng cao hoặc các địa phương còn nhiều khó khăn. 

Năm học này là một năm học đặc biệt học sinh không đến trường từ kỳ 2. Tại các thành phố lớn việc dạy trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn chưa kể đến các tỉnh thành vùng núi hoặc đồng bằng Sông Cửu Long.

Cho nên nếu Bộ giáo dục và đào tạo không tính toán đến việc này sẽ gây khó khăn và thiệt thòi cho các em ở những nơi không có điều kiện học trực tuyến”.

Đồng quan điểm với thầy Nguyên Minh, cô giáo Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng: Bộ giáo dục và đào tạo nên sớm công bố đề minh họa bám sát chương trình đã tinh giản.

Cô Lê nói: “Năm nay tôi nghĩ rằng đề thi không thể dựa vào đánh giá và chất lượng của việc học trực tuyến.

Bởi bản thân việc dạy trực tuyến hiện nay ở mỗi địa phương có cách triển khai khác nhau. 

Khi công bố đề minh họa Bộ cũng nên nghĩ đến điều này. Tức là phải căn cứ vào chương trình đã được tinh giản. 

Thậm chí trong trường hợp xấu nếu học sinh chưa thể đi học lại Bộ hoàn toàn có thể giới hạn đề thi trong chương trình học kỳ I. 

Nếu đề thi có cả kiến thức phần học trực tuyến tôi lo ngại rằng sẽ gây thiệt thòi cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có điều kiện học trực tuyến”.

Cô Lê vẫn giữ quan điểm: Học 5 thi 5, học 7 thi 7. Cả nước cũng như Bộ giáo dục và đào tạo phải chấp nhận năm học này là một năm học đặc biệt. Do đó mọi phương án đều phải đặt tiêu chí an toàn, giảm áp lực cho học sinh lên hàng đầu.

Ngay sau khi Bộ giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, nhiều học sinh và giáo viên cảm thấy lo lắng đặc biệt là các em học sinh vùng cao không có điều kiện học trực tuyến.

Học sinh lớp 12 năm nay nên bám sát chỉ dẫn ôn tập của giáo viên (Ảnh:V.N)

Cô giáo Nguyễn Thị Quý, giáo viên trường Trung học phổ thông Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cho biết: 

“Ở trên trường của tôi khó dạy học trực tuyến lắm. Bởi vì học sinh ở vùng cao không có sóng điện thoại, không có sóng wifi nên không dạy được. Nếu mà có dạy thì cũng chỉ có mấy bạn ở thị trấn học được thôi.

Học trực tuyến cần phải có wifi, mạng internet đủ mạnh thì các em mới vào học được.Trong hoàn cảnh nghỉ dịch như này, mình cũng tổ chức vài lớp để dạy cho các em nhưng mà đa số là chỉ có những em ở thị trấn, các em có 4G hoặc nhà có mạng internet đủ mạnh thì các em mới tham gia.

Đại đa số các em ở vùng khó khăn này không tham gia được. Một số em nhà còn không có điện để học. Khi dạy học trực tuyến này nó thiếu đi một sự tương tác, nên có một số em có vào học được thì cũng chỉ là chống đối. 

Rồi là việc tạo ra các bài tập online để các em làm cũng chỉ giải quyết được phần nào thôi. Nói chung là hiệu quả cũng không cao lắm. Tôi dạy lớp 12 là cả khối có 349 em học sinh. 

Nhưng lượng học sinh vào làm bài sau 2 ngày mới được 210-220 học sinh. Chứng tỏ gần một nửa các em không đụng đến bài tập. Có thể có một số em lười, nhưng mà có những em không có điều kiện để học”.

Trong thời gian chưa có đề thi minh học, cô Phạm Thái Lê “mách nước” cho học sinh: Nên bám sát hướng dẫn ôn tập của thầy cô trường mình vì họ hiểu từng đối tượng học sinh để có hướng dẫn ôn phù hợp. Học sinh tập trung vào những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng thấp ở đề minh họa Bộ công bố mới đây để nắm vững kiến thức cơ bản, luyện đề dạng đó nhuần nhuyễn.

Vũ Ninh