Giải pháp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Đà Nẵng ra sao?

Lượt xem:

Tăng cường cơ sở vật chất để học 2 buổi/ngày

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, để tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học thì tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Tỷ lệ học sinh tiểu học 2 buổi/ngày trên toàn thành phố hiện nay đạt 97,78%. 

Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai các giải pháp để chuẩn bị thực hiện chương trình mới. Ảnh: AN

Các quận, huyện đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày, chỉ còn quận Liên Chiểu đạt 79,06%. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường phải sử dụng phòng chức năng để tổ chức dạy học.

Do đó, đại diện Sở này đưa ra giải pháp là các địa phương tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa ở cấp tiểu học.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát một số địa phương khó khăn để tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện.

Xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục…), phòng thư viện.

Mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, máy tính, bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ, bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1.

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên

Theo Sở Giáo dục Đà Nẵng, hiện tỷ lệ giáo viên/lớp của toàn thành phố là 1,48. Biên chế chính thức đạt tỷ lệ 88,2%, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Hiện nay, các đơn vị đã tiến hành rà soát đội ngũ, dự kiến phân công giáo viên dạy học lớp 1 trong năm học 2020-2021. Báo cáo tình hình đội ngũ theo thẩm quyền và gửi về sở Nội vụ để báo cáo thành phố”.

Theo Thông tư 32 về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc.

Vì vậy, đây là căn cứ pháp lý để các địa phương tiến hành tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm, đảm bảo thực hiện chương trình mới.

Vì vậy, Sở yêu cầu các địa phương cần chú ý chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với hai môn học này. Xây dựng vị trí định biên đủ định mức số tiết quy định.

Lộ trình thực hiện sẽ từ năm học 2020-2021 và đến năm học 2025-2026 phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

“Thông tư 32 là căn cứ pháp lý để các địa phương chỉ đạo các trường tiểu học, bổ sung vào vị trí việc làm đối với giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh”.

Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp

Hiện Đà Nẵng có 107 trường tiểu học, trong đó có 96 trường công lập và 11 trường ngoài công lập. Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục Đà Nẵng thì vẫn còn một số trường tiểu học có từ ba đến năm điểm trường. 

Cụ thể như: trường tiểu học Hòa Bắc, trường tiểu học Hòa Phú, trường tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang), trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê)…

Trong năm 2019, huyện Hòa Vang đã thực hiện sáp nhập điểm trường, giảm một điểm trường tại Trường tiểu học số 1 Hòa Sơn.

Quy mô trường lớp đảm bảo cho việc đi lại của học sinh, tổ chức các hoạt động dạy học. Tuy nhiên, tại trung tâm thành phố, nhiều trường còn thiếu diện tích, sân chơi nhỏ, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động.

Nhiều điểm trường không bố trí đủ phòng chức năng, thiết bị dạy học các môn Tin học và Ngoại ngữ.

Sở Giáo dục Đà Nẵng cho hay, địa phương này đã thực hiện dồn dịch điểm trường và các trường tiểu học quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường tiểu học có quy mô lớn, đảm bảo các chức năng cần thiết.

Sở cũng yêu cầu khi sáp nhập trường, nếu cách xa nhà học sinh không thể đi về thì phải tính đến phương án tổ chức ăn bán trú, đầu tư các hạng mục phụ trợ để đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Các điểm trường không bố trí đủ phòng chức năng dạy học các môn Tin học và Tiếng Anh thì chỉ tổ chức dạy cho học sinh lớp 1, 2.

Học sinh lớp 3, 4, 5 được đưa về trường chính để được học đầy đủ các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình.

AN NGUYÊN